I. Vị trí địa lý, diện tích, dân số
1. Sự hình thành: Xã Đại Xuyên được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Đại Xuyên, Bạch Hạ, Minh Tân, Quang Lãng, Tri Thủy, Khai Thái, Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên). Lý do lấy tên xã mới là Đại Xuyên: Đại Xuyên là một xã thuộc huyện Phú Xuyên, việc lấy tên theo ĐVHC trước khi sáp nhập bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.
2. Vị trí địa lý: Xã Đại Xuyên giáp các xã: Phú Xuyên, Chuyên Mỹ của thành phố Hà Nội; tỉnh Hưng Yên và tỉnh Ninh Bình.
3. Diện tích, dân số: Xã Đại Xuyên có diện tích tự nhiên là 51,66 km2; quy mô dân số là 74.906 người.
TT | Xã hình thành trên cơ sở | Diện tích (km2) | Quy mô dân số (người) | Ghi chú |
1 | Xã Khai Thái (Huyện Phú Xuyên) | 9,27 | 9.890 | |
2 | Xã Phúc Tiến (Huyện Phú Xuyên) | 7,40 | 10.893 | |
3 | Xã Tri Thủy (Huyện Phú Xuyên) | 5,55 | 11.419 | |
4 | Xã Đại Xuyên (Huyện Phú Xuyên) | 9,35 | 10.457 | |
5 | Xã Bạch Hạ (Huyện Phú Xuyên) | 5,80 | 9.602 | |
6 | Xã Quang Lãng (Huyện Phú Xuyên) | 6,05 | 6.483 | |
7 | Xã Minh Tân (Huyện Phú Xuyên) | 8,24 | 16.162 | |
| Tổng | 51,66 | 74.906 | |
| | | | |
II. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Xã Đại Xuyên nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Nam, có hệ thống giao thông thuận lợi. Trên địa bàn có các tuyến giao thông quan trọng đi qua như: quốc lộ 1A, 1B, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tỉnh lộ 428, tuyến đường Truyền Thống và bến đò Giáng. Đồng thời, vị trí gần sông Hồng tạo điều kiện thuận lợi cho xã phát triển kinh tế, giao thương, văn hóa và du lịch với các tỉnh lân cận.
1. Đặc điểm kinh tế
Xã Đại Xuyên thể hiện rõ xu hướng hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân chuyển dịch từ lúa sang chuyên canh rau, hoa, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn; phát triển mô hình V-A-C, thủy sản theo hướng hàng hóa,… Với những hướng đi này, Đại Xuyên đang từng bước trở thành một xã nông nghiệp chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hơn 40 năm qua, nghề giết mổ trâu, bò đã nâng cao thu nhập cho người dân Quang Lãng và Tri Thủy. Những năm gần đây, nhu cầu thực phẩm gia tăng, các lò mổ được mở rộng quy mô và đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Các khu, cụm công nghiệp nơi đây đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và tạo ra nhiều sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
2. Đặc điểm văn hoá - xã hội
Nhân dân Đại Xuyên có truyền thống đánh giặc, giữ nước, giữ làng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới của Tổ Quốc, hàng ngàn thanh niên nô nức tòng quân lên đường đánh giặc. Nhiều người con của Đại Xuyên đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.
Nét văn hóa đặc trưng của Đại Xuyên thể hiện qua các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa và tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Người dân Đại Xuyên nổi tiếng với sự hiếu khách, thân thiện và cần cù lao động.
Lễ hội không chỉ là dịp để những người con địa phương nhớ về cội nguồn, thành tâm báo đức hương khói lễ giỗ, mà còn là dịp để nhân dân địa phương gắn chặt tình đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Xã Đại Xuyên có cơ sở giáo dục ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các trường trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong dạy và học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trên địa bàn xã có Trường THPT Phú Xuyên B[1] được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2024.
Phòng khám đa khoa Tri Thủy nằm trên địa bàn xã Đại Xuyên phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và một số xã lân cận. Cùng với đó, trạm y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, tham mưu với Đảng uỷ, UBND xã phát động đến các thôn đội cùng tham gia, phân công cán bộ trạm y tế giám sát từng địa bàn cơ sở nhằm phát hiện sớm nhất các ca bệnh xảy ra, đồng thời tuyên truyền phòng chống dịch bệnh phát thanh trên đài truyền thanh của xã về các bệnh dịch theo mùa, bệnh lây nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm,...
[1] Quyết định số 251/QĐ-SGD ĐT ngày 24 tháng 01 năm 2024